Những tỉ phú trên thế giới thường rất rộng lượng và hào phóng, Richard Branson bên cạnh có quỹ từ thiện riêng, ông còn hỗ trợ nhiều công ty mới khởi nghiệp ( startup) trên thế giới phát triển lớn mạnh. Dưới đây là danh sách 18 startup trong lĩnh vực công nghệ được tỉ phú người Anh, sáng lập ra tập đoàn Virgin đổ nhiều triệu đô vào. Tính tới tháng 7/2015, Richard có số tài sản ước tính 5 tỉ Mỹ kim, theo Forbes.
1. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ảo Doctor on Demand: 83,75 triệu USD
Doctor on Demand là một dịch vụ cung cấp nhà tư vấn sức khỏe trực tuyến. Người bệnh sẽ ngồi trước máy tính để giao tiếp với bác sĩ với chi phí từ 40 USD mà không phải tới phòng khám, bệnh viện. Richard Branson đã đầu tư hai lần với tổng số tiền 83,75 triệu USD vào đây trong năm 2014 và 2015.
2. Công ty điện toán đám mây Rescale: 6,4 triệu USD
Rescale cung cấp giải pháp đám mây ở cả phần cứng và phần mềm giúp các kỹ sư, nhà khoa học xây dựng, tính toán, phân tích giả lập với sức mạnh tính toán hiệu suất cao. Công ty thành lập năm 2011 và có trụ sở tại San Francisco. Số tiền 6,4 triệu USD được rót vào đây trong tháng 7/2015.
3. Công ty đặt vé du lịch Zozi: 30 triệu USD
Zozi cung cấp các tính năng đặt vé, thanh toán và quản lý khách hàng trên nền web cho các công ty lữ hành, tổ chức sự kiện. Richard Branson hỗ trợ cho Zozi 30 triệu USD vào tháng 7/2015.
4. Nhà cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh OneWeb: 500 triệu USD
OneWeb ra đời nhằm cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng trên toàn thế giới thông qua 700 vệ tinh vào năm 2019. Mục đích của OneWeb là mang Internet tới hàng trăm triệu người dùng tiềm năng mà hiện không được sử dụng Internet. quỹ của tập đoàn Virgin đầu tư 500 triệu USD vào đây trong hè năm nay.
5. Nền tảng giao dịch trong may mặc Tradesy: 43 triệu USD
Tradesy giúp bán đồ may mặc trực tuyến một cách nhanh chóng và miễn phí. Dịch vụ này giúp người dùng bán quần áo không còn mặc đến nữa để kiếm tiền, ngoài ra còn có thể bán váy cưới, túi xách, trang sức… Tổng tiền Richard Branson hỗ trợ cho Tradesy là 43 triệu USD trong hai đợt vào 5/2014 và 1/2015.
6. Nền tảng chuyển tiền Transferwise: 83 triệu USD
Nền tảng này cho phép các cá nhân chuyển tiền giữa những quốc gia với nhau. Transferwise được thành lập năm 2011 bởi Kristo Kaarmann và Taavet Hinrikus. Richard đầu tư 58 triệu USD vào 1/2015 và 25 triệu USD khác vào 6/2014.
7. Nền tảng Change.org: 25 triệu USD
Change.org ra đời nhằm quyên góp sự ủng hộ của mọi người về một vấn đề nào đó của xã hội. Nếu bạn có một điều gì đó muốn thay đổi thì có thể sử dụng công cụ này để kêu gọi sự ủng hộ của hơn 100 triệu thành viên trên đây. Richard Branson đổ 25 triệu USD vào đây cuối năm 2014.
8. Ví bitcoin Blockchain: 30 triệu USD
Blockchain là ví bitcon phổ biến nhất trên toàn cầu. Số tiền 30 triệu USD được Richard hỗ trợ vào tháng 10/2014.
9. Dịch vụ chia sẻ chuyến đi Sidecar: 15 triệu USD
Công ty khởi nghiệp Sidecar cung cấp các dịch vụ bao gồm kết nối lái xe với hành khách, chia sẻ chuyến đi với nhiều người và kết hợp cả chuyển hàng và người trên cùng cung đường. Richard Branson đầu tư 15 triệu USD vào Sidecar trong 9/2014.
10. Hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trên Indiegogo
Indiegogo là cộng đồng kêu gọi đầu tư tiền vào một dự án nào đó của cá nhân, tập thể hay tổ chức phi lợi nhuận để giúp dự án đó đủ tài chính hoạt động. Số tiền mà Richard đầu tư vào Indiegogo không được hai bên tiết lộ.
11. Dịch vụ thanh toán bitcoin BitPay: 30 triệu USD
BitPay cung cấp dịch vụ thanh toán bitcoin trên toàn cầu có trụ sở tại Georgia. BitPay chuyên về xử lý thanh toán bitcoin và cho phép người nhận bitcoin thông qua những plugin của website và khả năng tích hợp sâu. Richard Branson đầu tư 30 triệu USD vào đây.
12. Expa: 50 triệu USD
Expa sẽ kết hợp các nhà sáng lập để tạo một sản phẩm hay dịch vụ nào đó và giúp họ xây dựng đội ngũ đủ tầm để thành lập một công ty riêng. Ngoài Richard Branson đầu tư 50 triệu USD, Expa còn nhận được sự ủng hộ từ CEO Meg Whitman của HP.
13. Nhà sản xuất đèn laser cho xe đạp Blaze: 500 ngàn USD
Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại London đã phát triển đèn laser có giá 125 bảng Anh nhằm giúp người đi xe đạp an toàn hơn. Không chỉ là bóng đèn pha chiếu sáng gắn trên xe, Blaze còn có máy chiếu laser chiếu hình minh họa một chiếc xe đạp xuống mặt đường để dễ nhận biết hơn. Richard Branson đầu tư 500 ngàn USD vào đây.
14. Công ty thanh toán di động Clinke: 5 triệu USD
Clinke là công ty giải pháp hỗ trợ thanh toán di động thành lập năm 2011. Dự án đã thành công trong việc gây quỹ 30 triệu USD trước khi Richard đầu tư 5 triệu USD vào đây năm 2013.
15. Ứng dụng taxi Hailo: 30,6 triệu USD
Hailo là ứng dụng taxi giúp các tài xế tại London, Dublin hay Barcelona tìm khách dễ dàng hơn. Công ty này sinh ra nhằm cạnh tranh trực tiếp với Uber hay Addison Lee và được Richard đầu tư 30,6 triệu USD năm 2012.
16. Trang web học lập trình Codecademy: 10 triệu USD
Codecademy là trang web giúp người học lập trình thông qua nhiều bài hướng dẫn và bài học. Đây là công cụ thiết yếu cho học sinh muốn học lập trình từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Richard Branson đầu tư 10 triệu USD vào đây năm 2012.
17. Nền tảng quản lý cuộc sống trực tuyến My Social Cloud: 1 triệu USD
My Social Cloud ra đời nhằm giúp người dùng đơn giản hóa việc đăng nhập vào một dịch vụ, trang web nào đó. Dịch vụ này sẽ lưu trữ mật khẩu một cách an toàn của người dùng và giúp việc đăng nhập chỉ với một cú click mà không phải nhập mật khẩu bằng tay. My Social Cloud cũng bảo vệ người dùng khỏi việc bị đánh cắp mật khẩu. Richard Branson đầu tư 1 triệu USD vào đây năm 2012.
18. Công ty xử lý thanh toán di động Square: 3 triệu USD
Square là một dịch vụ tài chính, thanh toán di động được ra đời năm 2009 bởi Jack Dorsey, CEO của Twitter. Tỉ phú Richard đầu tư 3 triệu USD vào đây từ năm 2011.